Mách bạn cách bấm huyệt chữa bệnh đau lưng hiệu quả ngay tức thì

Ngày đăng: 20/12/2021
Hiện nay, bấm huyệt chữa đau lưng là xu hướng được nhiều người lựa chọn vì hiệu quả tức thì và không gây tác dụng phụ. Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp này trong bài viết dưới đây
1. Tổng quan về bệnh đau lưng
Đau lưng là tình trạng xảy ra những cơn đau nhức ở vùng lưng. Cơn đau có thể lan xuống phía dưới gần sát mông hoặc xảy ra ở bên phải, bên trái hay ở giữa 

Các triệu chứng của bệnh bao gồm: nhức mỏi cơ, căng cứng cơ, đau nhói, không thể cúi, gập hay vặn mình,…


 
Đau lưng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân bệnh lý: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng, loãng xương, viêm khớp, sỏi thận. Bên cạnh đó, bệnh cũng xuất phát từ các yếu tố tác động bên ngoài như: tư thế sai, chấn thương, thừa cân, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt canxi,…

2. Ưu điểm của phương pháp bấm huyệt chữa đau lưng
– Bấm huyệt trị đau lưng là phương pháp tác động trực tiếp đến hệ thống huyệt vị vùng cơ, xương lưng, cột sống lưng và các huyệt đạo liên quan. Phương pháp này có thể được thực hiện cho cả đau lưng cấp tính và mạn tính.
– Bấm huyệt giúp giãn mạch, cải tạo tuần hoàn máu, chống viêm, giảm phù nề, giãn cơ, giảm áp lực lên gân, dây chằng, thư giãn thần kinh.
– Bấm huyệt chữa đau lưng giúp giảm đau nhanh chóng mà không cần dùng thuốc. Do đó, người bệnh không phải chịu tác dụng phụ của thuốc hoặc phụ thuộc vào thuốc giảm đau.
– Không cần đến sự hỗ trợ từ các dụng cụ, thiết bị y tế nên an toàn, bảo tồn cột sống, không gây tổn thương đến các bộ phận lân cận.
Tăng khả năng hoạt động của hệ miễn dịch của cơ thể.

3. Cách bấm huyệt chữa đau lưng hiệu quả
3.1. Huyệt Đại trường du
Bấm huyệt vị này thường để điều trị đau thắt lưng, co cứng cơ lưng.

Vị trí huyệt: nằm dưới gai sống lưng thứ 4, đo ngang sang hai bên khoảng cách bằng 2 ngón tay.

Cách bấm huyệt: Người bệnh ngồi trên ghế hoặc đứng. Sau đó, dùng hai bàn tay ôm lấy eo vùng lưng, ngón cái phía sau, bốn ngón còn lại nằm ở phía trước (giống như động tác chống tay để ngang hông), đặt đầu ngón cái vào huyệt vị, thực hiện day bấm bằng một lực vừa phải trong vòng 2 phút.

3.2. Huyệt Thận du
Ấn huyệt này có tác dụng mạnh gân cốt, giúp bổ thận từ đó giảm triệu chứng đau lưng.

Vị trí huyệt: Nằm trên đường kinh bàng quang, có vị trí tương ứng với tạng thận trong cơ thể.

Cách bấm huyệt: Người bệnh ngồi hoặc đứng, tay chống ngang hông, rồi dùng lực ngón cái day ấn vào huyệt đến khi nóng ấm là được.

3.3. Huyệt Thiên khu
Bấm vào huyệt này sẽ làm giảm các cơn đau lưng. Ngoài ra, huyệt này còn có tác dụng kích thích sự hoạt động trơn tru của đại tràng.

Vị trí huyệt: Từ rốn đo ngang ra 2 bên khoảng cách 2 thốn, mỗi bên có một huyệt.


 
Cách bấm huyệt: Bệnh nhân nằm ngửa, sử dụng hai ngón tay cái day bấm huyệt trong 2 phút. Thực hiện bấm huyệt khoảng 20 phút mỗi ngày.

3.4. Huyệt phản chiếu dây thần kinh
Day ấn huyệt này sẽ tác động trực tiếp vào dây thần kinh, giúp giảm chèn ép.

Vị trí huyệt: Gần với mắt cá chân, nằm ở phần mép chân giao với mặt đất khi đứng thẳng. Mỗi bàn chân có 2 huyệt.

Cách bấm huyệt: Đặt ngón tay cái dưới mắt cá chân, ngón tay giữa đặt ở mắt cá chân còn lại. Dùng lực ấn kết hợp day huyệt trong vòng 5 phút. Dùng cả hai bàn tay một lúc.

3.5. Huyệt phản chiếu vai
Tác động vào huyệt này giúp mạch máu lưu thông, tránh hiện tượng tê bì.

Vị trí huyệt: Nằm chặt bàn tay, nhìn vào phần mép dưới ngón tay út có một nếp gấp to. Đó là huyệt phản chiếu vai.

Cách bấm huyệt: Ấn mạnh đầu ngón tay cái vào huyệt, giữ yên trong 3 phút. Thực hiện tương tự với bên tay còn lại.

3.6. Huyệt phản chiếu cột sống
Khi bấm huyệt này những cơn đau buốt, nhức mỏi sẽ được giảm thiểu đáng kể.

Vị trí huyệt: Đứng thẳng cho lòng bàn chân tiếp đất, sau đó nhìn xuống thấy phần mép chân bị lõm lên trên. Đây là huyệt phản chiếu cột sống.


 
Cách bấm huyệt: Dùng 1 tay giữ cố định bàn chân, tay còn lại dùng để bấm huyệt. Dùng ngón tay cái ấn vào huyệt đồng thời kéo ngón tay chạy dọc theo vùng lõm chân. Mỗi chân thực hiện trong 5 phút.

4. Bấm huyệt chữa đau lưng cần lưu ý gì?
– Để phương pháp bấm huyệt chữa đau lưng đạt hiệu quả tốt nhất và đảm bảo an toàn, người bệnh nên tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, chuyên gia y học cổ truyền có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.
– Phương pháp này không thực sự trị tận gốc bệnh nên người bệnh vẫn có thể bị đau lưng trở lại. Để bệnh khỏi hoàn toàn, người bệnh cần kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
– Không áp dụng đối với người bệnh bị ung thư, có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp, chấn thương, phụ nữ có thai, người mắc bệnh ngoài da vùng lưng, thắt lưng.
– Nên thực hiện bấm huyệt chữa đau lưng sau khi ăn khoảng 2 tiếng, không uống rượu, bia, nước ngọt có ga trước khi bấm huyệt.
– Trong quá trình bấm huyệt nếu thấy các triệu chứng choáng váng, buồn nôn, đau đầu, co rút tay chân, lưng nên dừng lại.
– Người bệnh nên xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thể dục thể thao đều đặn.